4 YẾU TỐ GIÚP HỌC TRỰC TUYẾN TRỞ NÊN SÔI NỔI VÀ THU HÚT HƠN
Với những giáo viên mới bắt đầu tiếp cận đến việc giảng dạy online thì sẽ có những khó khăn nhất định. Dưới đây là bốn yếu tố để “khuấy động” không khí lớp học và giúp việc học trực tuyến đạt được hiệu quả cao hơn.
Yếu tố 1: Nội dung
Một khóa học eLearning chỉ tốt bằng chính nội dung của nó. Nhưng đừng đánh đồng điều này với việc cung cấp quá nhiều thông tin. Không có gì tệ hơn là một giáo án điện tử chỉ thuần chữ và những slide bài giảng chỉ có nền trắng chữ đen, vô cùng đơn điệu và nhàm chán. Nội dung của một khóa học trực tuyến cần phải linh hoạt và hấp dẫn. Vì vậy, bạn nên hệ thống hóa nội dung sao cho logic, hợp lý, dễ tiếp cận và tìm thêm một số kiến thức lý thú bên lề để đưa vào bài giảng. Giáo viên cần đặt mình vào vị trí của học viên - làm việc từ góc độ quan tâm đến mục tiêu của người học.
Cần cô đọng và hệ thống hóa nội dung để việc tiếp thu được hiệu quả hơn
Yếu tố 2: Thiết kế và hình ảnh
Bên cạnh nội dung, những yếu tố về hình ảnh và thiết kế cũng đóng vai trò quan trọng trong bài giáo án điện tử. Một silde bài giảng có thiết kế tốt có nghĩa là những yếu tố về bố cục, màu sắc, hình ảnh và nội dung được kết hợp hài hòa, cân đối. Giáo viên có thể tham khảo những bài giảng mẫu ở kho bài giảng e-learning.
Thiết kế tốt về mặt hình ảnh cũng như một lời khẳng định cho kỹ năng của giáo viên. Đồng thời khiến khóa học trực tuyến hấp dẫn với người học hơn. Khi học viên gặp phải các khóa học e-learning có thiết kế kém, lỗi thời và không chuyên nghiệp thì sự hứng thú sẽ giảm sút đáng kể, thậm chí là họ sẽ bỏ học vì không thể tìm thấy những gì họ đang tìm kiếm hoặc mất quá nhiều thời gian để tìm thấy nội dung họ cần.
Yếu tố 3: Sự chỉ dẫn
Dù là học trực tiếp hay học trực tuyến thì cũng không thể thiếu những sự hướng dẫn, chỉ dẫn. Hãy làm cho người học có thể tiếp cận mọi thông tin một cách dễ dàng. Trong quá trình giảng dạy, hãy sử dụng những công cụ như mũi tên, biểu tượng,... để có thể điều hướng học viên tốt hơn.
Cần đảm bảo rằng học viên theo sát được buổi học
Yếu tố 4: Tính tương tác
Học một cách chủ động luôn luôn hiệu quả hơn học thụ động. Thay vì chỉ ngồi nghe giảng và ghi chép thì khả năng ghi nhớ sẽ giảm sút đáng kể thì giáo viên nên tăng cường những hoạt động tương tác. Học sinh có thể được phát biểu, nêu suy nghĩ của mình hay đồng thời là những buổi tranh biện nhỏ để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các học viên.
Yếu tố tương tác có thể dễ dàng thêm vào buổi học: ví dụ như những câu hỏi nhỏ giữa tiết học, sử dụng thư viện bài giảng điện tử kết hợp trò chơi tương tác thu hút việc dạy và học.